Science Ping
Space

Ghé thăm những kỳ quan vũ trụ khó tin ở ngay trong… Hệ Mặt trời

Nếu một ngày nào đó, du hành giữa các vì sao trở thành hiện thực, bạn đừng quên ghé Vesta chiêm ngưỡng những đỉnh núi cao đến ngoài 20km, hay Enceladus ngắm núi lửa phun tinh thể băng đẹp huy hoàng, hoặc Miranda để nhìn vách đá cao chóng mặt, sâu tới 19km…

Chúng ta thường bảo thế giới bao la, nhưng vũ trụ còn rộng lớn đến vô hạn. Chỉ riêng độ dài bán trục lớn của hệ Mặt trời cũng đã lên tới 4503 tỷ km.

Lẽ dĩ nhiên là trong cái không gian có chứa đến cả ngàn thiên thể ấy tồn tại không ít kỳ quan.

1. Utopia Planitia: Khu vực lòng chảo rộng đến 3300km

Utopia Planitia

Utopia Planitia nằm trên sao Hỏa, là vùng đất trũng hình lòng chảo được công nhận lớn nhất trong hệ Mặt trời. Các nhà khoa học đoán rằng, nó là những gì còn lại của một đại dương cổ.

Các nhà khoa học đã xác định rằng sao Hỏa trước kia từng có các đại dương lớn, nên phỏng đoán trên hoàn toàn có khả năng. Giả sử đại dương ấy thật sự đã từng tồn tại nhưng lại bị bốc hơi hoặc ngấm xuống lòng sâu, thì điều này sẽ cực kỳ hữu ích cho mục đích chinh phục sao Hỏa trong tương lai của nhân loại.

Thú vị là vào năm 2016, thiết bị dò tìm trên tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter của NASA đã phát hiện bên dưới Utopia Planitia có các khối băng lớn.

Rất có thể là đâu đó trong độ sâu từ 1-10m đất của vùng lòng chảo này còn giữ những mỏ nước có thể tích tương đương với hồ Thượng vùng Bắc Mỹ, tức là vào khoảng 12.100km3.

2. Valles Marineris: Hẻm núi khổng lồ nhất Thái dương hệ

Valles Marineris

Valles Marineris cũng nằm trên sao Hỏa, được cho là hẻm núi lớn nhất… toàn Hệ Mặt trời.

Để tiện hình dung, chúng ta hãy xem lại các con số của hẻm núi lớn nhất địa cầu, Grand Canyon. Hẻm núi này nằm ở tiểu bang Arizona, Mỹ. Nó dài 446km, sâu 1,6km và rộng từ 0,4-24km.

 

Còn Valles Marineris của sao Hỏa thì dài ngoài 4000km, rộng tới 200km và sâu những 7km. Nó rạch một đường sâu hoắm trên bề mặt hành tinh đỏ, có thể được hình thành cùng thời gian với sự chào đời của sao Hỏa, khi vật chất cấu thành bắt đầu nguội đi.

Ngoài giả thuyết này, một số nhà khoa học còn đoán Valles Marineris là kết quả của dung nham tràn ra từ miệng núi lửa hình khiên gần đó.

3. Vesta: Những đỉnh núi cao nhất hệ Mặt trời

Vesta là một tiểu hành tinh của hệ Mặt trời. Nó chỉ có đường kính rơi vào khoảng 1/24 đường kính Trái đất. Song ngay trên hành tinh rất đỗi bé nhỏ này lại sừng sững những ngọn núi cao ngất ngưởng. Có đỉnh còn cao tới tận 26km, tức là gần gấp 3 độ cao của đỉnh Everest (8,8km) lừng danh.

Theo suy đoán của các nhà khoa học thì cách đây chừng 1 tỷ năm, Vesta đã bị một thiên thể lớn chí ít là 48km đâm trúng. Vụ va chạm này khủng khiếp đến nỗi khoét một miệng hố to gần bằng cả tiểu hành tinh, Rheasilvia. Nó có đường kính rộng tới 505km, bằng hẳn 90% đường kính của tiểu hành tinh.

Đất đá phần bị nén xuống, phần bị đẩy lên, phần bị thổi bay ra khỏi vỏ Vesta, bắn tung vào không gian. Một vài trong số chúng còn rơi xuống Trái đất.

Sau vụ va chạm, phần vật chất cấu thành nên Vesta bị đẩy lên biến thành tường bao miệng hố Rheasilvia. Chúng cao thấp không đồng đều, nhưng đã cao là vượt cả ngoài 20km, trở thành những ngọn núi cao nhất hệ Mặt trời.

Nhưng kỳ lạ là ngay giữa lòng hố va chạm Rheasilvia cũng đồ sộ một đỉnh núi cao 23km.

4. Enceladus: Liên tục phun băng như bắn pháo hoa

Enceladus là vệ tinh của sao Thổ. Nó nhỏ hơn Vesta một chút, có đường kính khoảng 500km. Nhưng lại sở hữu tới hơn 100 núi lửa… phun băng, liên tục phun tinh thể băng lên không trung với vận tốc hơn 2000km/h.

Kỳ thực, gọi là “núi lửa phun băng” thì không chính xác cho lắm. Ngoại trừ hoạt động phun giống như núi lửa ở Trái đất, “núi lửa phun băng” của Enceladus chẳng còn đặc điểm tương tự nào. Chúng thật ra chỉ là các lỗ phun trên bề mặt của vệ tinh.

Cái đáng kinh ngạc là Enceladus phun băng khá thường xuyên và đồng bộ. Mỗi lần hoạt động, các lỗ phun của nó bắn lên những cột tinh thể băng cao ngất. Sau đó tỏa vụn băng ra như pháo hoa, rồi trút xuống như mưa, phủ kín bề mặt vệ tinh.

Tất nhiên là với hoạt động địa chất siêu mỹ lệ này, Enceladus được xếp vào hàng kỳ quan thiên thể đẹp nhất Thái dương hệ.

5. Verona Rupes: Vách đá cao trên 19km

Verona Rupes nằm trên vệ tinh Miranda. Nếu xét về mặt độ lớn, vệ tinh này còn nhỏ hơn cả Enceladus. Tuy nhiên, chính trên vệ tinh nhỏ nhất của sao Thiên Vương ấy lại hun hút một vách đá đựng đứng, sâu tận 19,3km – cao hơn gấp đôi núi Everest của Trái đất.

Tìm trên hành tinh xanh, bạn sẽ thấy vách đá cao nhất nằm ở núi Thor, Canada. Có điều, nó mới chạm 1,25km mà thôi.

Giả sử Miranda có lực hút bằng với trọng trường của Trái đất, thì một người sẽ phải mất tận 12 phút để rơi tự do từ đỉnh vách Verona Rupes xuống chân.

6. Callisto: Chi chít chông băng cao cả 100m

Tỷ trọng của Callisto khá nhẹ, rơi vào khoảng 1,83g/cm3 (của Trái đất là 5,52g/cm3), có vật chất cấu thành chủ yếu là đá và băng. Suốt nhiều thời gian, các nhà thiên văn cứ ngỡ hành tinh này đã chết về mặt địa chất.

Song vào năm 2001, tàu vũ trụ Galileo trong lúc bay ngang qua Callisto lại gửi về NASA hình ảnh chứng minh vệ tinh này vẫn còn sống. Đó là những tháp băng dày đặc, nhiều ngọn còn cao đến cả 100m. Chúng nổi lên trên khắp bề mặt Callisto, có chỗ còn tua tủa như bàn chông.

Tiếc rằng băng nước là thứ dễ tan và bay hơi. Nếu chuyện du hành giữa các vì sao không sớm trở thành hiện thực, con người khó bề mà được chiêm ngưỡng tận mắt.

Related posts

Detected, Martian magnetic field was 10 times stronger than expected

Science

Humans can be alone in the universe

Science Ping

The mysterious thing at Earth’s North Pole is “devouring” solar matter

Science Ping

Leave a Comment